Lòng tốt của cô Nung - Bài viết của Dư Phương Liên
Tôi biết đến cô Quách Thị Nung qua lời kể của cháu cô, em Quách Văn Sơn bị liệt tứ chi, và là người đang được cô trực tiếp chăm sóc. Câu chuyện về lòng tốt hiếm có của cô khiến tôi không thể không cầm bút ghi lại.
Hơn 30 năm trước cô là một thiếu nữ Mường, bông hoa đang bung nở giữa núi rừng Tây Bắc nhưng vì sinh ra và lớn lên trong một gia đình đặc biệt nghèo khó của một huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình nên cô không có cơ hội xúng xính khoác trên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc để vui chơi ở những lễ hội như biết bao cô gái cùng trang lứa.
Hai mươi tuổi cô là lao động chính nuôi cả gia đình. Bởi tất thảy những người thân trong nhà đều bệnh tật. Chị gái bị ung thư giai đoạn cuối, mẹ mù lòa, bố ốm liệt giường. Thu nhập của cô chỉ đến từ việc làm ruộng và vào rừng bẻ măng mang bán. Tiền kiếm được không đáng là bao so với việc thuốc thang. Nhiều lần vay nặng lãi, thóc làm ra chỉ đủ trả nợ, không có cái mà ăn, phải ăn cả vỏ sắn. Mỗi năm mùa mưa bão đến, căn nhà làm từ cây bương lợp tranh tre nứa lá của cô lại rung lên bần bật, phải có người đứng ôm giữ cột cho khỏi đổ. Cuộc sống cơ cực, túng thiếu trăm bề. Ai ở vào hoàn cảnh ấy, chỉ ngồi khóc thôi cũng không đủ nước mắt. Vậy mà cô một mình cáng đáng tất cả.
Điều đáng nói hơn nữa là cả ba người bệnh trong nhà đều được cô tận tình chăm sóc đến phút cuối cùng. Chị gái mất trên đôi tay cô. Bố đẻ ra đi khi cô đang ở kề bên. Mẹ già trút hơi thở trong dòng nước mắt chứa chan của cô. Chưa kể sau đó cô còn phải nuôi thêm một đứa cháu 12 tuổi, con riêng của chị gái để lại. Hai mươi năm đầu tắt mặt tối, vừa lo kiếm tiền, vừa lo chăm sóc người thân, cô không có chút thời gian nào để nghĩ đến hạnh phúc cá nhân. Toàn bộ tuổi thanh xuân bị chôn vùi trong tất tả ngược xuôi.
Như thế tưởng chừng cô đã quá mệt mỏi, sợ hãi trước những gánh nặng cuộc đời đè lên đôi vai mình. Ai ngờ, năm 40 tuổi, cô lại ôm thêm một "cục nợ" nữa. Đó chính là em Quách Văn Sơn, 23 tuổi bị liệt tứ chi do tai nạn bất ngờ. Sơn và cô chỉ có mối quan hệ họ hàng thuần túy nhưng chứng kiến nỗi đau thể xác của em, hoàn cảnh gia đình lại không ai nương tựa, với tình thương người bệnh sẵn có và trái tim rộng mở, cô đã nhận lấy trách nhiệm cưu mang em suốt phần đời còn lại.
Cô Quách Thị Nung và em Quách Văn Sơn
Mười hai năm nay cô luôn ở bên em mọi lúc mọi nơi, xúc cho em ăn, lấy nước cho em uống, tắm rửa vệ sinh cá nhân, giúp em tập luyện hàng ngày để cải thiện sức khỏe. Bản thân có lúc ốm không ăn được, mệt không dậy nổi, cô vẫn nhất quyết không chịu nhờ ai chăm sóc em, một mình cố gắng làm tất cả. Riêng việc phải khiêng em lên xe lăn nhiều năm đã khiến cô bị thoái hóa hai đốt sống lưng. Có cô, Sơn như có người mẹ thứ hai trong đời. Cảm động trước ân tình ấy, em thấy mình cần phải sống để đền đáp ơn cô.
Từ một chàng trai chỉ biết khóc than cho số phận, em đã đứng lên làm lại cuộc đời với sự giúp đỡ đắc lực của cô. Mở cửa hàng bán tạp hóa, thiết kế xe tập cho người khuyết tật vận động, lập thư viện cộng đồng miễn phí cho người dân quê em, làm video truyền cảm hứng đến người khác. Mỗi việc em làm đều khiến cô bận rộn, vất vả hơn, cả về thời gian, tiền bạc lẫn công sức nhưng cô vẫn hết lòng ủng hộ. Nhìn nụ cười rạng rỡ của em hôm nay tôi có thể cảm nhận công lao của cô đối với em to lớn đến nhường nào. Thực sự, nếu bố mẹ em còn sống chắc cũng không thể làm được tốt hơn những gì cô đã làm cho em.
Tôi đã gặp cô, một người phụ nữ có vẻ ngoài hơi cũ kỹ, đôi bàn tay thô ráp, xù xì, dấu ấn của những năm tháng vất vả để lại, nhưng ẩn chứa trong đó là cả một trái tim lấp lánh ánh vàng. Khi hỏi cô về những khó khăn trong việc chăm sóc người bệnh, cô chỉ đáp lại một cách vắn tắt, đơn giản: "Chăm sóc thân nhân là trách nhiệm của cô, có gì đâu mà kể". Tôi ngồi lặng yên nghĩ về lòng tốt bất tận và cao quý của cô. Lòng tốt ấy như một bài ca tươi sáng vang lên giữa dàn hợp xướng muôn điệu của cuộc sống xô bồ, hối hả, bon chen. Xã hội này luôn tốt đẹp hơn, đáng sống hơn khi có những bài ca như thế, những con người như thế./.